SEA Games 28 tại Singapore lần này chứng kiến sự bứt phá ngoạn mục của Ánh Viên –  một nữ kình ngư trẻ tuổi người Cần Thơ, Việt Nam. Người đã phá 8 kỷ lục SEA Games và mang về 8 Huy chương vàng bộ môn Bơi lội cho Việt Nam. Điều này rất quan trọng bởi vì từ trước đến nay, đường đua xanh tại SEA Games vốn được thống trị bởi các kình ngư nước bạn, đặc biệt là Singapore.

Tối ngày 9/6/2015, Ở trận chung kết nội dung 200m bướm, Ánh Viên đã mang về Huy chương vàng với thành tích 2 phút 11 giây 12. Đây là thành tích giúp cô gái trẻ người Cần Thơ giành chiến thắng đồng thời phá kỷ lục SEA Games tồn tại từ năm 2009. Người hâm mộ Việt Nam đã rất bất ngờ khi cô bật khóc lúc về đích thay vì sung sướng, vui vẻ ăn mừng chiến thắng. Chia sẻ với VnExpress, Ánh Viên nói: “Tôi khóc không phải vì giành HC vàng và phá kỷ lục SEA Games mà vì trong lúc thi đấu đã mắc một số lỗi. Tôi không hài lòng khi bản thân lại có sai lầm như vậy, ngay cả khi chiến thắng”.

Nguyễn Thị Ánh Viên
Nguyễn Thị Ánh Viên – Ảnh: Alobacsi.com

Để có được thành công như vậy, Ánh Viên đã dành toàn bộ thời gian để tập luyện. Cụ thể là cô đã dành đến 364 ngày trong năm cho việc tập luyện. Và 364 ngày đó dĩ nhiên là hoàn toàn tách biệt với gia đình khi người đồng hành với cô là đội ngũ Huấn luyện viên chuyên môn nghiêm khắc.

Tinh thần (tập luyện) của Ánh Viên khá tương đồng với tinh thần của người học võ:

  • Luôn phấn đấu để đạt đến cao độ của bộ môn mình theo đuổi.
  • Không có khái niệm tốt nhất, chỉ nhất quán rằng hôm nay phải tốt hơn hôm qua và không bằng ngày mai.
  • Tôn sư trọng đạo.
  • Khiêm tốn.

Nếu thành công là một đỉnh núi và bạn chấp nhận nó thì chỉ còn một con đường duy nhất: Xuống núi.

Người học võ sẽ đạt đến cao độ của nghệ thuật hơn nếu:

  • Nghiêm khắc với chính mình hơn trong từng buổi tập luyện;
  • Dành nhiều thời gian hơn để đầu tư cho cái mà chúng ta thường hay hô hào là “đam mê”;
  • Danh sư xuất cao đồ – Hãy tìm cho mình một người thầy nhìn thấy tố chất, viên ngọc thô trong con người bạn; (Ở đây, chúng tôi không có ý khen hay chê bất kỳ một huấn luyện viên hay võ sư nào)
  • Đo lường kết quả việc tập luyện một cách khoa học, rõ ràng và cụ thể;

Vovinam

Thể thao nói chung, võ thuật nói riêng chỉ có điểm khởi đầu chứ không có điểm kết thúc. Bạn có thể luân chuyển vai trò từ võ sinh, vận động viên sang huấn luyện viên, võ sư. Nhưng ở vai trò nào, bạn cũng cần phải có tinh thần không bao giờ chấp nhận bất kỳ một cột mốc hay thành công nào cả. Nếu thành công là một đỉnh núi và bạn chấp nhận nó thì chỉ còn một con đường duy nhất: Xuống núi.

Cuối cùng, tinh thần mà chúng tôi – Blog Học Võ Vovinam muốn chia sẻ đến các bạn đồng môn là: “Hãy xuất sơn – đừng xuống núi”. Xuất sơn với tư cách một người huấn luyện viên, võ sư được đào tạo bài bản từ võ thuật đến võ đạo với tinh thần tận hiến với võ thuật, với môn phái và cộng đồng.

Đừng “xuống núi” khi còn quá trẻ !

Nguyễn Tiến Khoa
Blog Học Võ Vovinam

(
Ảnh bìa được sử dụng từ Facebook phóng viên Nguyễn Quang Liêm – báo Người Lao Động)

Trả lời