Võ đài được tổ chức cho các môn võ tự do và môn phái nào cũng có thể tham dự. Trước đây ở Việt Nam, luật thi đấu võ đài rất rộng rãi, không giới hạn tấn công (trừ “ôm vật”) cũng không có đồ bảo hộ (chỉ một “Cuki” cho hạ bàn). Những trận đấu võ đài như vậy khá nguy hiểm, tuy thực tế chưa thấy gây ra tử vong do đấu võ đài. Người võ sĩ tự do chuyên nghiệp được huấn luyện những kỹ thuật chiến đấu nhanh – Sát phạt – Hạ đối thủ “đo ván” càng nhanh càng tốt. Điều này hoàn toàn đúng với tính chiến đấu của Võ.

Nhưng về tư tưởng tạo cho người võ sĩ một tính hơn thua quyết liệt, ra đòn sát phạt, thậm chí tàn nhẫn, mất dần Tính Đạo của võ học. Chính vì thế, đấu võ đài không thể hiện được tính chất cao đẹp của tinh thần Võ Sĩ Đạo. Đây là lý do khiến môn phái Vovinam – Việt Võ Đạo chủ trương cấm các môn sinh thượng đài. Nhưng học võ, nếu chỉ học múa quyền theo bài bản thì là “Võ bài” hoặc “Võ dưỡng sinh”, không thể phát huy được hiệu quả đòn thế và tính chiến đấu của võ.

Ảnh của Lê Quang Liêm, báo NLĐ

Đấu đối kháng là đỉnh cao, là nghệ thuật của tất cả các môn võ. Với đấu đối kháng, người luyện võ sẽ thể hiện trình độ kỹ thuật thực tế nhất của mình qua tất cả công phu luyện tập: thể lực, bài bản, đòn thế,… Môn võ nào không có khả năng đấu đối kháng, không thể hiện được tính chiến đấu đặc thù của Võ Thuật, môn võ ấy ít được nể trọng. Tuy Việt Võ Đạo không cho phép các môn sinh thượng đài nhưng trong các kì thi lên đai, lên cấp, các môn sinh đều phải trải qua một cuộc thi đấu khá gay go, tùy theo từng cấp, từng đẳng. Do đó, đấu đối kháng trở thành một môn học cơ bản của Việt Võ Đạo.

Luyện đấu đối kháng là phát huy, triển khai những đòn thế đã học, sáng tạo trong tấn công và phòng thủ, sử dụng những đòn hợp lực, tránh né và phản đòn. Sự sáng tạo và biến đòn đã dành nhiều ưu thế trong giao đấu. Nhưng có học ắt phải có thi, do đó từ môn học đấu đối kháng đã đưa tới các cuộc thi đấu tranh giải đối kháng.

Trước năm 1975, Vovinam – Việt Võ Đạo toàn quốc lần đầu tiên được tổ chức tại Câu lạc bộ Lãnh Binh Thăng, quận 11, TP. HCM đã thu hút lượng khán giả đông đảo trong suốt 3 đêm 4,5,6/12/1992.

Ảnh của Lê Quang Liêm, báo NLĐ
Ảnh của Lê Quang Liêm, báo NLĐ

Từ căn bản này, Việt Võ Đạo tiếp tục phát huy, dự kiến sẽ tổ chức các giải đấu đối kháng của địa phương, toàn quốc và quốc tế.

Muốn tổ chức một cuộc thi đấu đối kháng cần có một bộ Luật Thi Đấu. Luật này phải khoa học, thực tế và đơn giản. Luật quy định rõ ràng mọi tình huống, bảo đảm an toàn cho vận động viên (VĐV) nhưng lại phải thể hiện được kỹ thuật và tính chiến đấu là một nghệ thuật trong võ học.

Theo nhận thức chung của mọi người thì một Bộ Luật Thi Đấu Đối Kháng của bất kì môn phái nào cũng không thể đặt nhẹ các điểm sau:

– Khuyến khích VĐV thi triển được các kỹ thuật cao, có sáng kiến và sự thông minh trong cách thi đấu.

– Không gò bó VĐV quá nhiều.

– Cách tính điểm phải đơn giản để các giám định + trọng tài chấm điểm được công bằng và hợp lý.

– Loại bỏ được những rủi ro, gây nguy hiểm cho các VĐV nhưng phải gây được sự hào hứng cho người xem.

– Tránh những sơ hở gây khiếu nại, kiện tụng,… Cần rõ ràng, dễ áp dụng để khán giả có thể hiểu được Luật Đấu hầu tạo sự hào hứng cho đông đảo quần chúng.

Trong môn đá banh, đa số khán giả đều biết luật chơi và có thể tính điểm hoặc xử phạt gần như trọng tài, đó chính là lý do môn chơi này đã thu hút rất đông quần chúng hâm mộ.

Ảnh của Lê Quang Liêm, báo NLĐ
Ảnh của Lê Quang Liêm, báo NLĐ

– Các trang bị bảo hộ an toàn cần gọn nhẹ, phù hợp với VĐV.

Tránh rườm rà gây mất cảm hứng của người xem và giới hạn kỹ thuật của VĐV làm trở ngại khi giao đấu. Nhất là đối với Việt Võ Đạo, thực hiện các đòn chân phải bay cao và cách đánh té đối thủ.

Ngày nay, dù muốn dù không, các môn võ thuật cũng phải mang tính thể thao và sự thi đua tranh các giải vô địch là động cơ thúc đẩy phong trào võ thuật đi lên. Do đó, không những cần có Luật Thi Đấu Đối Kháng mà còn cần tới một Luật Thi Đấu Đối Kháng Hữu Hiệu. Riêng môn phái Vovinam – Việt Võ Đạo đã hình thành Luật Thi Đấu Đối Kháng Việt Võ Đạo và đăng kí tại Tổng Cục Thể Dục Thể Thao từ năm 1992. Tuy nhiên, để đạt tới tiêu chuẩn hữu hiệu thực sự, vấn đề cần lưu tâm là không thể quên việc bổ sung các điều khoản cần thiết mà mỗi kì tranh giải đều là cơ hội để nhận biết.

Ảnh của Lê Quang Liêm, báo NLĐ
Ảnh của Lê Quang Liêm, báo NLĐ

Thiếu đấu đối kháng, võ thuật không thể trui rèn và phát triển những nét đẹp đặc thù của một nghệ thuật chiến đấu. Nhưng đấu đối kháng mà thiếu các Luật Thi Đấu Hữu Hiệu cũng có thể là một mối đe dọa cho chính võ thuật.

VS. Phạm Đình Tự

(Theo “Việt Võ Đạo” – 1993)

3 Replies to “Đối kháng Vovinam Việt Võ Đạo”

  1. thưa ng đang tin,cái này cần phải xem lại,Nhưng học võ, nếu chỉ học múa quyền theo bài bản thì là “Võ bài” hoặc “Võ dưỡng sinh”, không thể phát huy được hiệu quả đòn thế và tính chiến đấu của võ.vậy chứ Sư Ông Lê Sáng học cái gì?còn Sư Phụ Nguyễn Chánh Tứ học gì mà sức khỏe tốt khí huyết lại có?

  2. Chào bạn,

    Đây là bài sưu tầm chủ đề là “Đối kháng” nên mọi vấn đề bên trong bài viết đều xoay quanh đề tài này.

    Cảm ơn bạn đã góp ý, Nhu khí công cũng là một cái hay của Vovinam Việt Võ Đạo – và nó sẽ được chúng tôi cập nhật trong một bài viết khác.

    Chân thành cảm ơn bạn đã đóng góp hỗ trợ

Trả lời